Hè đến là khoảng thời gian sung sướng nhất đối với lũ trẻ chúng tôi vì không phải đi học. Không còn lo làm bài tập, học bài và trả bài. Không lo bị đòn vì không làm những điều trên. Và điều quan trọng nhất là được chơi đùa thoải mái suốt cả ngày. Một trong những thú vui ngày hè chính là đi bắt dế.
Trước tiên nhất là bắt dế để chơi đá dế. Thường thì lũ nhóc chúng tôi chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm vài đứa cùng nhau săn dế đá. Trong trò bắt dế thì đám con gái cũng tham gia rất hào hứng không hè kém cạnh bọn con trai chúng tôi.
Để bắt dế đá thì phải ra tay vào tầm 6h-8h sáng, vì khoảng thời gian này dế ra khỏi hang dùng điểm tâm. Món khoái khẩu của chúng là ngọn cỏ non, mầm non và giải khát bằng những giọt sương sớm đọng trên lá cỏ. Phương pháp săn lùng đơn giản nhất là lắng nghe tiếng gáy của dế, rình và chụp. Nói về chụp dế cũng là 1 nghệ thuật vì bắt dế bằng tay không, chụp thế nào để nhốt con dế vào lòng 2 bàn tay nhưng không làm nó bị chút thương tổn nào. Và quan trọng là phải nhanh tay lẹ mắt.
Phương pháp thông dụng nhất là tìm hang dế. Về khoảng này tôi chưa học được bí kíp của tụi bạn là làm sao phân biệt được hang dế đá (dế than hoặc dế lửa) với hang dế cơm. Khi tìm được hang dế, chúng tôi tìm các cửa hang phụ lấp đất lại, chỉ chừa cửa hang chính rồi bắt đầu đào hang bắt dế. Đôi khi hang sâu và con dế lỳ lợm thì phải đổ nước cho nó ngộp và ngoi đầu ra. Khi đã đủ số lượng dế để chia nhau mỗi đứa 1 vài con. Các nhóm bắt đầu tập trung lại thi đấu. Sàn đấu của lũ dế chúng tôi bắt được là cái thao nhựa. Khá rộng rãi chứ không chật hẹp như trong các bộ phim lũ trẻ chụm đầu vô ống tre hay cái lon sữa bò. Bất lợi của cái thao là lũ dế sẽ chạy lung tung nếu có 1 con bỏ chạy không dám đá nữa. Thuận lợi là rộng rãi nên khán giải coi thoải mái.
Tôi không thích đem dế ra đá cho lắm vì thấy tội nghiệp, bắt chúng cắn nhau tiêu càng gãy gọng thì thấy tiếc. Tôi thích nghe tiếng dế gáy hơn. Đối với dế than, dế lửa thông qua tiếng gáy có thể biết nó mạnh hay yếu. Tiếng dế càng to, rõ, trong thì nó là con dế chiến. Đá chắc chắn rất hăng. Dĩ nhiên ở đời cũng có chuyện hên xui, con to khỏe nhiều khi lại thua 1 con bé hơn. Dế thật ra chẳng phát ra âm nào, chúng gáy bằng đôi cánh mỏng cọ sát vào nhau mà phát ra tiếng nên cái tiếng “re re rét rét” không con nào giống con nào. Lũ dế gáy nghe như 1 tổ hợp các nhạc công hòa trong điệu nhạc du dương của chốn thôn quê.
Đã chơi rồi thì sẽ đói, mà đói thì phải kiếm cái gì bỏ bụng. Sau khi đá dế là đi bắt dế cơm. Bắt dế cơm cũng là 1 kinh nghiệm đầy thú vị. Lũ nhóc chúng tôi chỉ có 1 phương pháp duy nhất là bắt dế cơm bằng kiến bọ nhọt. Đầu tiên chúng tôi sẽ dùng keo, lọ thủy tinh để chứa kiến bắt được. Trước hết là mỗi đứa ngắt vài cọng cỏ đuôi chồn, cho vào hang kiến bọ nhọt. Lũ kiến sẽ bám đầy cọng cỏ, cho cọng cỏ vô keo, giũ cho lũ kiến rớt vào trong, nhốt lại thế là xong. Bắt sao cho đầy lọ kiến là bắt đầu cuộc săn dế cơm chính thức.
Cũng như bắt dế đá, khi phát hiện hang dế cơm, chúng tôi bịt các hang phụ, chừa hang chính lại rồi dùng cỏ đuôi chồn cho vào lọ kiến, rồi sau đó với cọng cỏ đầy kiến chúng tôi cho vào hang dế. Rất nhanh chóng, con dế bị kiến cắng sẽ nhảy phóc ra khỏi hang, lúc này chỉ cần nhanh tay tóm lấy cho vào bao nylon. Thế là xong. Lâu lâu vài đứa nhóc trong chúng tôi nhảy tưng tưng như khỉ và miệng la oai oái. Đơn giản là bị kiến cắn. Kiến bọ nhọt tuy không độc lắm như nó cắn thì buốt như bị phỏng lửa. Sau đó chổ bị cắn có thể để lại 1 vết sẹo nhỏ. Suốt cái quãng thời gian thơ bé đi bắt dế ấy, dù tôi đã rất cẩn thận nhưng vẫn bị 1 con kiến cắn để lại sẹo đến giờ. Âu thì đó là 1 chút kỷ niệm nhắc tôi nhớ lại những năm tháng đã qua.
Đối thủ của chúng tôi khi đi bắt dế chính là lũ gà, nên việc đầu tiên là phải xua lũ gà đi xa chổ làm ăn của bọn tôi. Nhưng lũ gà cũng rất tinh quái, khi chúng tôi đang tập trung vào hang dế thì chúng mom mem lại gần chực chờ cơ hội. Vì hễ khi chúng tôi xẩy tay không bắt kịp con dế nào là lũ gà phóng ào ra tóm lấy con dế, đánh ực 1 cái, giương mắt nhìn lũ nhóc chúng tôi như chọc quê.
Bắt dế để ăn thì phải bắt cả ngày, đầy dế rồi thì cũng mệt rả rời. Chúng tôi bắt đầu tập trung lại rồi công đoạn chế biến dế bắt đầu. Đám con gái đảm đang lo phần này. Thả dế vô nước sôi, sau đó vớt ra, ngắt chân cẳng, cánh, moi ruột bỏ đi. Rửa sạch rồi cho đậu phộng rang vào bụng dế sau đó là bắt chảo lên chiên giòn. Không có đậu phộng thì rang không với muối ớt vẫn ngon như thường. Mùi dế chiên giòn thơm phức. Dế chiên nóng giòn ăn ngay với cơm nóng gọi là bá cháy con bọ chét (không biết câu đó là do đứa nào nghĩ ra đầu tiên nữa). Cái vị giòn giòn béo béo bùi bùi của con dế và đậu phộng kết hợp với vị cay cay mặn mặn của muối ớt khiến cho nồi cơm rất mau hết. Món này người lớn cũng rất khoái, buổi chiều tắm rửa sạch sẽ, bày mâm cơm giữa sân nhà, trời mát, vừa nhâm nhi ly rượu với hàng xóm láng giềng. Người lớn trẻ nhỏ trò chuyện rôm rả. Đúng là cái thú tao nhã chốn quê, thanh bình và yên ả.
Tôi yêu những giây phút ấy. Mãi mãi đó là những ký ức đẹp sẽ theo tôi như 1 hành trang trong suốt cuộc đời này. Là những cảnh mà tôi khó có thể có lại được nữa.
Sưu tầm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét