* Các vùng văn hóa của dân tộc Việt Nam: Xứ Đông Nam Bộ hay Vùng văn hóa Đồng Nai-Vàm Cỏ-Sông Bé |
Rời địa hạt Ninh Thuận, Bình Thuận của đại vùng văn hóa ven biển miền Trung bước qua phần đất Bà Rịa-Vũng Tàu là đã đi vô đại vùng văn hóa Nam Bộ. |
Từ thuở mang gươm đi mở cõiNhưng không nhẹ niềm kiêu hãnh nung nấu những con người quyết chí : Làm trai cho đáng nên traiVà đẹp biết mấy kỳ vọng gởi gắm vào : Người về trên cánh Đồng NaiQuả thật, những người Việt ấy đã làm nên sự nghiệp trên miền đất mới, làm cho bản đồ địa-văn hóa của đất nước trở nên hoàn chỉnh và hoành tráng với một miền Đông gồm sáu vùng : Bình Phước-Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu-Côn Đảo, Đồng Nai-Biên Hòa, Tây Ninh, Long An-Tân An ; với một miền Tây gồm 11 vùng trù phú nhất đất nước : Tiền Giang-Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang-Long Xuyên-Châu Đốc, Kiên Giang-Hà Tiên-Phú Quốc, Cần Thơ, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng đến tận Cà Mau và một "hòn ngọc Viễn Đông" giữa lòng đại vùng văn hóa Nam Bộ : Gia Định-Bến Nghé-Sài Gòn.
Nói về Nam Bộ cũng là nói tới những con người phương Nam rất dễ thương, với tâm hồn bình dị, trực tánh, thích sống "điệu nghệ", giàu đạo nghĩa, sống hết mình, dám ăn, dám chơi, dám làm : Ra đi gặp vịt cũng lùaĐó là những con người miền Nam rất cởi mở trong nếp nghĩ và nếp sống, nhạy cảm với tiếp biến văn hóa Nam Bắc Tây Đông : thích thú với những ngôi chùa có vòm cong kiểu Phật giáo tiểu thừa Khmer, với cột kiểu Ba Tư, không từ chối hát bội miền Trung, hát chèo miền Bắc, cải lương thì đề tài mới cũ, tuồng Tây tích Tàu đều được chấp nhận ; đạo Cao Đài tuyển hết những tinh hoa của các tôn giáo khác trên thế giới để hình thành một giáo phái mới. Ta hãy bắt đầu làm quen với miền Đông Nam Bộ gồm sáu vùng đất mới đã có nhiều đóng góp phong phú cho văn hóa miền Nam. |
Hôm nay Bà Rịa, vũng đất nhỏ ở địa đầu Nam Bộ với số dân 750.000 người trên một diện tích chưa đầy 2.000 km2, với một chiều dài bờ biển không quá 100 km, là một trong những vùng văn hóa du lịch giàu đẹp nhất của đất nước, với một mảnh đất Bà Rịa trù phú, nhiều sông hồ và hơn 200 con suối, một thành phố Vũng Tàu hiện đại cũng là một thiên đàng du lịch biển không có mùa đông và một Côn Đảo, một thiên đàng du lịch khác với một vườn quốc gia tuyệt đẹp, được xem là hình ảnh thu nhỏ của thiên nhiên rừng Việt Nam. Thật khó mà kể cho trọn danh mục hàng chục thắng cảnh thiên nhiên và di tích lịch sử-văn hóa của Bà Rịa-Vũng Tàu-Côn Đảo. Từ tượng Phật ngồi thiền, cao 10 m, tượng Phật nằm nhập niết bàn dài 12 m, tượng Phật Bà đứng cao 16 m tới tượng chúa Giêsu cao 28 m ; nét đặc biệt của Vũng Tàu là có rất nhiều chùa lớn nhỏ, từ Thích Ca Phật Đài tới Niết Bàn Tịnh Xá ; cạnh tranh với chùa về mặt du lịch có đình Thắng Tam, đền Ông Trần, Bạch Dinh (nơi có trưng bày nhiều đồ đồng, đồ sứ Trung Hoa vớt từ một chiếc tàu cổ chìm gần Côn Đảo), v.v. Bà Rịa-VũngTàu cũng là vùng đất vô địch về số lượng các khu du lịch : Thùy Dương, Hàng Dương, Biển Xanh, Hồ Tràm, Hồ Cốc, Viễn Đông… với đầy đủ tiện nghi hiện đại. Đáng chú ý nhất có lẽ là khu du lịch suối nước nóng Bình Châu có giá trị y học cao với đủ loại dịch vụ : tắm nước khoáng nóng, tắm bùn, mát-xa… Nổi tiếng ở Bà Rịa-VũngTàu và Long Hải là rất nhiều bãi tắm đẹp khác nhau vì đón những hướng gió khác nhau hoặc vì những vẻ đẹp cảnh quan khác nhau lúc bình minh, đứng bóng hay hoàng hôn. Khi Bãi Sau gió mạnh sóng lớn thì người ta qua tắm bên Bãi Dứa, Bãi Dâu yên tĩnh. Bãi Trước gần thành phố Vũng Tàu nên ít người tắm, trái lại Bãi Sau (bãi Thùy Vân) dài 8 km là bãi tắm chính được chia thành nhiều ô với những bảng hiệu riêng, các ô tranh đua nhau lo cho khách rất tận tình. Bãi tắm mang tên Khu du lịch Biển Đông chỉ dài 700 m lại là lá cờ đầu của các bãi tắm vì những tiện nghi đắt tiền như scooter biển, dù bay… Còn Bãi Dâu là nơi có cảnh mặt trời lặn trên biển rực rỡ đầy thi vị.
Hòn ngọc quí báu nhất của quần đảo mỹ miều này là Vườn quốc gia Côn Đảo (15.000 hecta), với một hệ sinh thái biển-rừng tập hợp được nhiều hệ thực vật tiêu biểu của cả nước : rừng nguyên sinh nhiệt đới, rừng tre, rừng chồi, rừng tràm đước, rừng san hô… với những loài chim, cá đẹp, những động vật quí hiếm như đồi mồi, vích biển lên đẻ trứng trên bãi cát về đêm, và nhất là bò biển còn gọi là cá cúi (dugon) tuy hầu như tuyệt chủng nhưng thỉnh thoảng vẫn còn xuất hiện làm đẹp lòng du khách Côn Đảo. |
Ở phía Nam Bình Phước là Bình Dương và thị xã Thủ Dầu Một là vùng đất chỉ cách Sài Gòn chừng 30 km mà lại có nhiều vườn cây ăn trái, nổi tiếng nhất là vườn Lái Thiêu với tổng diện tích 1.230 hecta, với những măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, vú sữa, mít tố nữ rất ngon, mà cũng là một điểm du lịch xanh trên bến dưới thuyền. Đây cũng là quê hương của những làng thủ công nổi tiếng : sơn mài Tương Bình Hiệp, gốm sứ Thủ Dầu Một (gần 500 lò) và một số làng lân cận (Hưng Thịnh, Tân Phước Khánh…) sản xuất được những đồ gia dụng, đồ trang trí mỹ nghệ, sản phẩm sơn mài rất thành công trong các hội chợ quốc tế. |
Với hàng chục di chỉ khảo cổ học và hơn 10.000 hiện vật đã tìm thấy thuộc nền văn hóa Óc Eo, vùng Long An là một trong những trung tâm văn hóa cổ của vương quốc Phù Nam, được phản ảnh khá đầy đủ trong Viện bảo tàng Long An. Vùng đất này cũng còn giữ được nhiều ngôi chùa cổ (Tôn Thạnh, Kim Cang, Linh Sơn…) nhưng công trình kiến trúc và trang trí nội thất thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước là ngôi nhà 120 cột ở huyện Cần Đước. Được xây dựng từ hơn 100 năm bằng gỗ quí (gỗ đỏ, cẩm lai), mái ngói rêu phong cổ kính, kiến trúc độc đáo, chạm khắc điêu luyện tinh vi nhờ tài khéo của 15 nghệ nhân từ miền Bắc vô hợp sức với thợ địa phương tài giỏi đã làm nên một kiệt tác, nơi đây các nhà nghiên cứu mỹ thuật đã thấy sự tinh tế của những tác phẩm chạm chim muông, cỏ cây, hoa lá mang tính chất đặc điểm nghệ thuật của cả ba miền đất nước. Long An-Tân An cũng nổi tiếng với cụm vườn thanh long và dưa hấu (huyện Châu Thành) cũng như với vườn hoa kiểng Thanh Tâm (thị xã Tân An) : ở đây cây kiểng bonsai rất đặc sắc và nhiều loại (có loại trên 100 tuổi đã đoạt nhiều huy chương vàng tại các hội hoa xuân Sài Gòn, Hà Nội). Hấp dẫn nhất ở Long An là khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười, đặc trưng cho vùng đất trũng Nam Bộ với những cánh rừng tràm bạt ngàn, những đầm sen bát ngát. Hương tràm và hương sen đã thu hút ong mật, bướm trăm màu, rùa,rắn, cò và cả sếu đầu đỏ quí hiếm. Trên sông Vàm Cỏ Tây du thuyền sẽ bềnh bồng đưa du khách thưởng thức gõi ngó sen, cá lóc nướng trui, canh chua bông điên điển, trong một thoát chốc ngà ngà rượu trắng chan hòa mùi sen, vị tràm… |
Được tưới tắm bởi sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn, Tây Ninh có hồ Dầu Tiếng, vừa là công trình thủy lợi lớn nhất nước có thể làm phì nhiêu cho 20.000 hecta ruộng đồng, vừa là khu du lịch rất hấp dẫn với các ốc đảo non nước hữu tình cho du khách vừa chơi thuyền vừa thưởng thức món ăn thủy sản.
Tây Ninh là quê hương của đạo Cao Đài, ra dời từ 80 năm nay (1926), còn được gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, thờ rất nhiều vị từ Thượng Đế, Phật, Giêsu, Mahomet tới những vị rất quen thuôc với chúng ta như Nguyễn Bĩnh Khiêm, Victor Hugo, Tôn Dật Tiên… Thánh thất lớn của giáo phái độc đáo này (cách thị xã Tây Ninh 10 km) là một công trình kiến trúc hoành tráng, giàu màu sắc thuộc phong cách baroque roccoco Á Đông độc nhất trong toàn cõi Việt Nam mà lại không do một kiến trúc sư nào thiết kế, chỉ là tác phẩm tập thể do vị giáo chủ quá cố Phạm Công Tắc và nhiều tín đồ có khiếu năng nghệ thuật mày mò xây dựng trong suốt 20 năm, từ 1936 đến 1955. Có lúc con số tín đồ Cao Đài lên tới 2 triệu, các lễ hội lớn cử hành tại thánh thất Tây Ninh như lễ vía Đức Trí Tôn (mồng 8 tháng Giêng), lễ vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu (rằm tháng Tám âm lịch), đậm đàbản sắc dân tộc và cuốn hút hàng chục ngàn khách hành hương và du khách tại Núi Bà Đen.
Hội xuân và lễ vía Bà hàng năm được tổ chức ba kỳ : rằm tới 18 tháng Giêng, 23 tới 27 tháng Tư và mồng 5, mồng 6 tháng 5. song song với hội xuân hay lễ vía, trong và ngoài Miếu Bà diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ dân gian và tôn giáo tín ngưỡng : hát bội, múa lân, múa mâm thao, múa dĩa chén, lên đồng, xin xăm, bói toán (sau 1975 một loạt hoạt động bị xem là mê tín dị đoan và bị dẹp bỏ). Điều đáng nói là tín ngưỡng Bà Chúa Xứ tồn tại mãnh liệt trong dân gian, mỗi năm Miếu Bà và khu danh thắng Núi Sam đón tiếp hàng triệu lượt người đến từ trong và ngoài nước, từ Tết nguyên đán đến giữa mùa hè. Ngày nay, từ chân núi lên tới Miếu Bà có hai cách : leo núi phải hết hai giờ, tuy mệt mà vui, hay đi cáp treo (téléphérique) dài 1.200 m mất 20 phút. Gần đây lại có thêm trò máng trượt (luge), một trò vui độc đáo tạo cảm giác mạnh : từ ga trên đỉnh núi gần Miếu Bà bạn lên xe trượt theo lòng máng dài 1.700 m xuống thẳng chân núi với vận tốc 40 km/giờ. |
Cây ăn trái nổi tiếng nhất của đất Đông Nai-Biên Hòa là bưởi. Có cả một khu sinh thái vườn mà trung tâm là làng bưởi Tân Triều với những vườn bưởi xum xuê, tiêu biểu là vườn ông Năm Huệ, một người làm vườn giỏi nổi tiếng khắp vùng. Là chủ nhân một ngôi vườn rộng đẹp trồng toàn loại bưởi đường lá cam, được bạn bè khuyến khích ông Năm Huệ đã biến nó thành một quán ăn sân-vườn, với một thực đơn dân gian phong phú giữa một không gian yên tịnh. Khách muốn thưởng thức đặc sản Nam Bộ cũng tốt, hoặc chỉ ghé đây uống cà phê nằm võng nghỉ ngơi, thưởng thức chim hót và hương bưởi thơm cũng hay. Nếu khách muốn mua vài trái bưởi về làm quà thì nên đến làng bưởi từ tháng 8 đến tháng 12 là mùa thu hoạch. Có rất nhiều người vừa đi du lịch vườn vừa mua bưởi đường chính gốc về cúng Tết. Gần Sài Gòn nhất là khu du lịch Bò Cạp Vàng (tên một loài hoa) thuộc huyện Nhơn Trạch. Qua phà Cát Lái, đi thêm vài km là đến khu du lịch trên cù lao, với nhà sàn, du thuyền, xe đạp nước, mô tô nước… và cắm trại đu đưa võng dưới bóng hoa bò cạp vàng dịu thơm là một lạc thú. Du khách thích chơi hang động trong núi lửa thì hãy đi Định Quán, nơi có thắng cảnh Đá Chồng : ba khối đá chồng lên nhau chênh vênh ở độ cao 36 m. cách đó không xa là núi lửa Hang Dơi, chỉ cao khoảng 100 mà nhưng trơn trợt khó trèo : khách nhất thiết phải nhờ dân địa phương dẫn đường để vào Hang Dơi tối om như mực, nếu thiếu những đèn pin cực mạnh. Trước khi đi vào khu du lịch Thác Mai phải qua một khu rừng nguyên sinh. Cách Thác Mai 7 km là suối nước nóng (đủ để luộc trứng). Đến Thác Mai mới thấy đó chỉ là một đoạn của lòng sông La Ngà đầy đá nổi nên được gọi phóng đại là thác, nhưng nhờ cánh rừng nguyên sinh và những bãi tắm nhỏ dọc sông nên Thác Mai vẫn là một thắng cảnh đầy thi vị. Khu du lịch Thác Mai ngày thường rất vắng vẻ, cuối tuần có vài chục du khách. Cắm trại, ngủ lều, hay thuê phòng trọ đều được, cũng như có một thực đơn cá suối, gà vườn sẵn sàng chờ đợi du khách.
Rừng Nam Cát Tiên có một quần thể thực vật hơn 600 loài : hơn 100 loại gỗ quí, hàng trăm loài cây dược liệu, hơn 60 loại hoa phong lan. Những động vật quí hiếm nhất của Nam Cát Tiên là cá sấu, voi, tê giác một sừng, và đó là một vài con tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam. Nam Cát Tiên đúng là một cụm rừng phong phú bậc nhất của đất nước, một hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới xanh tươi quanh năm. Nhưng các nhà vạn vật học, sinh học và sinh thái học đến thăm nơi đây đều có chung một nỗi lo âu sâu sắc. Họ biết rằng trước đây những khu rừng ấy có nhiều đàn nai, voi, bò rừng… đông đảo, một thiên đàng của các động vật hoang dã. Thế nhưng Nam Cát Tiên, dù đã trở thành vườn quốc gia, vẫn đang là nạn nhân của những cuộc săn bắn bừa bãi của đủ loại thợ săn vô trách nhiệm, kể cả những quan chức cao cấp của chính quyền. Đến nỗi ngày nay gặp được một con thú hoang dã ở Nam Cát Tiên đang trở thành một cơ may hiếm hoi. Giữa khu rừng nhiệt đới mà cũng là khu vườn quốc gia lớn nhất nước này, nhiều khách tham quan đã phải thở than : "Ôi, thiên đàng đã mất!". Lê Văn Hảo |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét